
ĐƯỜNG THỐT NỐT CÓ PHẢI LÀ SẢN PHẨM KHÔNG BỀN VỮNG NHƯ DẦU CỌ?
Đây là một bài viết dài mà Palmania chúng mình muốn chia sẻ từ rất lâu để giải đáp thắc mắc của một số khách hàng, đặc biệt là những người quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn môi trường sống cho các loại động vật hoang dã. Còn nhớ ngay từ những ngày đầu Palmania chúng mình đi bán hội chợ, chúng mình đã nhận được thắc mắc liệu sản xuất đường thốt nốt có tuân theo nguyên tắc sản xuất bền vững. Câu hỏi này đến từ không chỉ khách hàng người nước ngoài mà cả những bạn trẻ người Việt Nam chúng mình.
Có lẽ các bạn đều biết nền công nghiệp sản xuất dầu cọ (palm oil) đã kéo theo 1 hệ quả nặng nề là tàn phá rừng để trồng cây cọ dầu. Tiêu biểu là việc đốt phá rừng nhằm lấy đất để trồng cây cọ dầu (tên khoa học: Elaeis guineensis) ở Indonesia không những hủy hoại môi trường sống của loài đười ươi, gây ô nhiễm không khí mà còn phá hủy một trong ba lá phổi xanh lớn nhất của thế giới.
Cùng họ với cây cọ dầu, cây thốt nốt (tên khoa học: Borassus flabellifer) thường được biết đến với tên tiếng anh là palm tree hoặc palmyra tree hoặc palmyra palm tree. Có lẽ vì cái tên ‘Palm sugar’ làm cho nhiều người có suy nghĩ là palm sugar (đường thốt nốt) chắc cũng giống như palm oil (dầu cọ). Mặc dù cùng thuộc họ cau nhưng cây thốt nốt khác biệt với cây cọ dầu. Cây thốt nốt là cây thân thẳng, tuổi thọ có thể trên 100 năm và có thể vươn cao 30 m. Cây thốt nốt có cây đực và cây cái nên hoa thốt nốt cũng có hoa thốt nốt đực và hoa thốt nốt cái. Đường thốt nốt có thể được làm từ mật (nước) của cả hoa thốt nốt đực và cái. Theo như anh Lượm – thợ nấu đường thốt nốt của Palmania thì cây thốt nốt mất ít nhất 20-25 năm mới bắt đầu cho trái nhưng để thu hoạch mật hoa dùng để nấu đường thốt nốt thì thường phải đợi thêm vài năm sau khi cây tầm 25-30 năm tuổi thì mật hoa mới có thể dùng để nấu đường thốt nốt được. Có lẽ vì vậy mà người Khmer thường có câu nói cây thốt nốt là loại cây mà đời cha trồng, đời con cháu mới hưởng. Vì vậy, xét về khía cạnh kinh tế, chẳng ai dại gì mà đốn rừng để trồng một loại cây mà mất tới 20-30 năm sau mới thu hoạch được. Ngoài ra, việc thu hoạch nước thốt nốt cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến tuổi đời của cây. Cây cho nước hoa cho đến khi hết vòng đời.
Ở Việt Nam, cây thốt nốt phân bổ chủ yếu ở vùng Bảy Núi bao gồm Tri Tôn và Tịnh Biên, An Giang. Đến nơi đây, bạn sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ tươi đẹp của núi non mà còn cả những hàng cây thốt nốt mọc rải rác khắp nơi trên những cánh đồng hay dọc những con đường đi. Ngoài việc mọc dại/ tự nhiên, người dân ở vùng Bảy Núi cũng “trồng” cây thốt nốt trên bờ ruộng như một phương thức đánh dấu để phân biệt đất ruộng của nhau. Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tại sao chúng mình lại để chữ trồng trong dấu ngoặc kép như vậy. Lý do là vì người dân chỉ gieo phần ruột trắng của trái thốt nốt lên những nơi họ muốn đánh dấu và rồi để thiên nhiên và đất mẹ vùng Bảy Núi sẽ nuôi nấng chúng phát triển mà không cần có bàn tay chăm sóc, bón phân hay tưới nước của con người.
Khi cây đã đạt đến 25-30 tuổi, người thợ nấu đường thốt nốt sẽ bắt đầu thu hoạch mật hoa để nấu đường thốt nốt mỗi khi mùa khô tới. Mùa nấu đường thốt nốt thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 11 hàng năm và kết thúc vào khoảng tháng 5 năm sau – cũng là lúc mùa mưa tới. Sẽ có bạn thắc mắc tại sao không khai thác 6 tháng còn lại mà phải đợi như vậy. Lý do là vì thứ nhất, cây thốt nốt rất cao nên mùa mưa leo cây cũng nguy hiểm hơn vì trơn trượt, dễ té ngã. Thứ hai, vì cây rất cao nên cũng thường bị sét đánh khi có mưa giông sấm sét. Việc leo cây càng trở nên nguy hiểm cho những người thợ nấu đường. Và cuối cùng đó là thuận theo tự nhiên và nguyên tắc sản xuất bền vững. Thời gian mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 đó cũng là thời gian để cây được nghỉ ngơi và tích tụ chất dinh dưỡng để khi mua khô tới, những mẻ đường thốt nốt lại đong đầy các dưỡng chất tự nhiên của đất mẹ và vô cùng thơm ngon.
Có lẽ đọc đến đây các bạn đã có được câu trả lời cho bản thân về nghề nấu đường thốt nốt cũng như sản phẩm đường thốt nốt có phải là sản phẩm thuận tự nhiên và được sản xuất tuân theo nguyên tắc bền vững hay không. Và nhân đây, Palmania cũng chia sẻ thêm một số thông tin mà chúng mình mong muốn chia sẻ vì bao bì sản phẩm không đủ chỗ để chúng mình có thể ghi quá nhiều.
Cây thốt nốt hoàn toàn là một cây mọc dại và đường thốt nốt được làm từ mật hoa của những cây thốt nốt mọc dại như vậy. Chính vì vậy mà giá trị dinh dưỡng của đường thốt nốt sẽ không đồng nhất giữa các nơi mà cây sinh trưởng vì nó phụ thuộc vào thổ nhưỡng của từng vùng. Và các bạn có biết vùng đất Bảy Núi, An Giang đã ban tặng cho chúng ta món quà thiên nhiên quý giá đường thốt nốt – một trong những chất tạo ngọt tốt nhất cho sức khỏe với không chỉ các loại khoáng chất, amino acids, vitamin C, vitamin nhóm B mà nổi bật trong đó là vitamin B12 với hàm lượng rất cao. Nếu như một số sản phẩm đường thốt nốt của các nước khác có hàm lượng vitamin B12 vào khoảng 20 μg/100g sản phẩm thì đường thốt nốt Palmania đến từ vùng Bảy Núi, An Giang có hàm lượng vitamin B12 lên đến 28.2 μg trên 100g sản phẩm. Điều đó có nghĩa là chỉ với khoảng 8.5g đường thốt nốt bột Palmania, bạn đã có thể cung cấp đủ 100% lượng vitamin B12 cần thiết cho cơ thể trong 1 ngày.
Cây thốt nốt không chỉ trao tặng cho người dân vùng Bảy Núi, An Giang món quà thiên nhiên ngọt ngào mà còn tạo ra một đặc sản địa phương, một nghề truyền thống đặc trưng vùng miền, tạo thêm công ăn, việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, đã có thời điểm mà thương lái đi thu mua những gốc cây thốt nốt chuẩn bị đến tuổi thu hoạch khiến nhiều người dân nghèo vì cái lợi trước mắt mà chặt cây đem bán để rồi chính quyền địa phương phải tìm biện pháp ngăn chặn việc chặt bán cây. Hay như những trăn trở hiện nay về nghề nấu đường thốt nốt truyền thống một ngày nào đó sẽ mai một vì việc thiếu hụt lực lượng lao động trẻ cũng như nhiều thợ nấu đường ngày nay không còn nắm bắt được kỹ thuật nấu đường theo phương thức truyền thống tự nhiên với gỗ sến như ngày xưa. Vì vậy, cho dù những gì Palmania chúng mình đang làm còn rất nhỏ bé nhưng Palmania hi vọng rằng những viên gạch nhỏ mà Palmania đang xây lên một ngày nào đó sẽ trở thành 1 bức tường vững chãi để không những gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông xưa mà còn có thể phát huy và đưa đặc sản quê hương đến những vùng đất chân trời mới.
Palmania cảm ơn rất nhiều khi các bạn đã đọc đến đây. Palmania cũng cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã và đang đồng hành cùng Palmania, cùng chúng mình viết nên những giấc mơ thật đẹp!
* Vui lòng không sao chép bài viết dưới mọi hình thức. Dẫn nguồn thông tin nếu có sử dụng nội dung bài viết.
Tài liệu tham khảo
1. https://ethicalunicorn.com/…/everything-you-need-to-know-a…/
2. http://www.rfi.fr/…/20151124-indonesia-bao-ve-rung-hay-cong…
3. https://www.sbs.com.au/…/15/palm-sugar-eco-damaging-palm-oil
4. https://dantri.com.vn/…/hien-tuong-dao-ban-cay-thot-not-o-a…
5. https://www.health.harvard.edu/v…/getting-enough-vitamin-b12